La Mã từ năm 364 đến 395 Lịch_sử_Đế_quốc_La_Mã

Valentinian và Valens

Sau khi Jovian mất vào năm 364, việc chọn ra Augustus mới lại rơi vào tay quân đội. Vào tháng 2 năm 364, viên tướng PannoniaValentinian I được tôn lên làm hoàng đế ở Nicaea, Bithynia. Ông lập ra vương triều Valentinian (364-392). Dưới sự yêu cầu của các tướng lĩnh, Valentinian chọn ra một người đồng cai trị. Valens, em trai của ông, sẽ cai trị Đế chế Đông La Mã, còn ông sẽ cai trị Đế chế Tây La Mã.

Sự lựa chọn Valens nhanh chóng gây bất đồng. Procopius (một người anh em họ của Julian tưởng như trước đó sẽ được kế vị nhưng cuối cùng lại không được) đánh chiếm Constantinople vào năm 365 và tuyên bố là hoàng đế của Đông La Mã. Chiến tranh nổ ra giữa Valens và Procopius, cho đến năm 366 thì Procopius bị đánh bại.

Vào tháng 4 năm 367, Valentinian và Valens phong cho đứa con mới 8 tuổi của Valentinian là Gratian thành một Augustus đồng cai trị hữu danh vô thực. Điều này nhằm giúp bảo vệ sự kế vị sau này.

Tháng 4 năm 375, khi đang dẫn quân đánh người Quadi ở Pannonia thì Valentinian I bị vỡ mạch máo não do quát tháo. Chấn thương này làm ông mất vào tháng 11 năm 375. Sự kế vị diễn ra không theo kế hoạch ban đầu. Gratian lúc này đã 16 tuổi, nhưng binh sĩ ở Pannonia lại tôn người em sơ sinh cùng cha khác mẹ của ông lên thành Valentinian II.

Gratian chấp nhận chuyện này. Trên danh nghĩa thì ông sẽ quản lý xứ Gaul, còn Italy, Illyria và châu Phi sẽ thuộc về em ông và mẹ của ấu chúa là Justina, nhưng thực ra thì quyền hành vẫn trong tay ông.

Đông La Mã và trận Adrianople (378)

Trong cùng lúc đó, Đế chế Đông La Mã phải đối mặt với mối đe dọa từ các tộc German. Bị người Hung dồn ép từ phía sau, những người Goth thuộc tộc Thervingi đã chạy vào Đế chế Đông La Mã để trú ẩn. Valens cho họ tạm định cư ở bờ nam sông Danube vào năm 376, thế nhưng những người di cư này lại gặp rắc rối từ những sự ngược đãi và những kẻ lãnh đạo suy đồi ở đây. Sự bất mãn khiến họ nổi loạn chống lại La Mã.

Valens thân chinh cầm quân đánh họ vào năm 378, và Gratian cũng đang trên đường đem viện binh từ Tây La Mã tới giúp. Nhưng do quá nôn nóng, Valens đã không chờ Gratian mà dẫn quân xông lên trước và thua tan tác trong trận Adrianople.[53] Gần hai phần ba quân La Mã tử trận, trong số đó có cả hoàng đế Valens cùng rất nhiều những viên chức và các tướng lĩnh quan trọng. Điều này dẫn đến những hậu quả lâu dài cho Đế chế về sau khi họ thiếu hụt về nhân sự. Phần lớn quân đội La Mã về sau này được tuyển mộ từ người German đánh thuê.

Sau cái chết của Valens, Gratian đưa Theodosius I lên làm Augustus của Đông La Mã vào tháng 1 năm 379.

Đế chế La Mã sau cái chết của Theodosius I. Các đường trắng là biên giới của các quốc gia ngày nay.
  Đế chế Tây La Mã
  Đế chế Đông La Mã

Nội chiến ở Tây La Mã

Sau một vài thành công trong việc cai trị thì Gratian ở Tây La Mã trở nên lười biếng. Có vẻ như ông đã bị viên tướng người Frank là Merobaudes và vị giám mục Milan là Ambrose thao túng từ phía sau. Gratian cũng mất đi sự yêu mến sau các xung đột với Viện nguyên lão. Trong lúc đó, Theodosius phong cho con mình là Arcadius thành Augustus vào năm 383, một bước chuẩn bị cho sự kế vị sau này.

Cùng năm 383, việc Gratian mất đi sự ủng hộ đã dọn đường cho viên tướng Magnus Maximus làm phản. Magnus Maximus tự xưng hoàng đế rồi đem quân từ Anh tấn công xứ Gaul, khiến Gratian phải trốn chạy và cuối cùng bị ám sát (tháng 8/383). Vào năm 387, Maximus quyết định trừ bỏ luôn Valentinian II (lúc này vẫn ở Italy). Mẹ con Valentinian phải bỏ chạy và cầu cứu Theodosius. Theodosius đánh bại và xử tử Maximus vào năm 388,[54] sau đó cho người đi giết luôn con trai của Maximus là Flavius Victor. Theodosius phục hồi vương vị cho Valentinian và tiếp tục ủng hộ vị vua hữu danh vô thực này.

Sự phân chia cuối cùng của La Mã

Valentinian II bị ám sát ở Viên vào năm 392. Tướng Arbogast đưa Eugenius lên ngôi nhưng Theodosius không công nhận vua này.[55] Sau đó thì ông giết sạch cả hai trong trận Frigidus (tháng 9 năm 394)[56] rồi thống nhất Đế chế La Mã dưới quyền mình. Sau khi nắm quyền, Theodosius I Đại Đế thẳng tay bài trừ ngoại giáo[57] và hoàn tất việc đưa Thiên chúa giáo trở thành quốc giáo của đế chế La Mã.[58] Sau này, Chính thống giáo Đông phương tôn ông thành Thánh Theodosius.

Theodosius I Đại Đế đi vào lịch sử như là vị hoàng đế cuối cùng thống trị một Đế chế La Mã nguyên vẹn. Sau cái chết của Theodosius vào năm 395, hai con trai của ông là ArcadiusHonorius chia nhau cai trị Đông La Mã (đóng đô tại thành Constantinople) và Tây La Mã (định đô tại Milan, sau đó dời đô về Ravenna). Từ đây hai Đế chế La Mã hoạt động độc lập về mặt chính trị với các vị hoàng đế khác nhau.